Vì sao doanh nghiệp thực phẩm cần áp dụng ISO 22000

Điều tiên quyết đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm đó là vấn đề an toàn vệ sinh. Chính vì vậy, việc áp dụng hệ thống ISO 22000 sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán này, đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Tiêu chuẩn ISO 22000 đang trở thành đòi hỏi cũng như lựa chọn của doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm.

Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 được thiết kế dựa trên nền tảng của việc thực hành các nguyên tắc HACCP, GMP trong toàn chuỗi thực phẩm. Trong đó, việc nhận biết quá trình trọng yếu, phân tích các mối nguy, xác định các điểm kiểm soát tới hạn… để thiết lập các biện pháp kiểm soát thích hợp kết hợp với thực hành và theo dõi nhân sự tuân thủ được xem là những yếu tố then chốt dẫn tới thành công. Theo đó, với việc xây dựng tốt hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 tích hợp cùng tiêu chuẩn HACCP, Doanh nghiệp đã kiểm soát sản xuất ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn tạo hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới chuyên nghiệp, từ đó công tác điều hành hiệu quả hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Điều quan trọng nhất, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi dùng sản phẩm của Doanh nghiệp.

Như vậy có thể thấy, ISO 22000 là tiêu chuẩn được xây dựng tập trung vào an toàn thực phẩm. Đây là tiêu chuẩn quốc tế kết hợp và bổ sung các yêu cầu trọng tâm của ISO 9001 và HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) để cung cấp khuôn khổ làm việc hiệu quả nhằm triển khai, áp dụng và cải tiến liên tục hệ thống an toàn thực phẩm (FSMS). Theo các tài liệu nghiên cứu cho biết, tiêu chuẩn ISO 22000 bao gồm: ISO 22000: 2005 là yêu cầu tiêu chuẩn cho mọi tổ chức trong chuỗi thực phẩm; ISO/TS 22004: 2005 hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000:2005; ISO/TS 22003:2007 yêu cầu cho các tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; ISO 22005:2007 là hệ thống xác định nguồn gốc thức ăn gia súc và thực phẩm; ISO/CD 22006:2007 là hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 cho việc sản xuất trong trang trại.  ISO 22000 cũng tiếp thu các nguyên tắc của GMP (thực hành sản xuất tốt). ISO 22000 được thiết kế cho tất cả các tổ chức trong chuỗi cung ứng thực phẩm, nghĩa là “từ nông trại đến bàn ăn”, bao gồm cả các tổ chức có liên quan, như nhà sản xuất bao bì, dụng cụ, thiết bị… 

ISO 22000 được nhìn nhận là có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc tế, tạo được lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới. Bởi giấy chứng nhận ISO 22000 nằm trong bộ hồ sơ đăng ký FDA cho cơ sở thực phẩm; giảm tối đa nguy cơ sai lỗi và chi phí rủi ro liên quan tới an toàn thực phẩm. Khi áp dụng ISO 22000, các doanh nghiệp đều phải đảm bảo thực hiện các chương trình tiên quyết (GMP, SSOP…) nhằm hạn chế các mối nguy đối với thực phẩm, phải xây dựng một hệ thống kiểm soát bao gồm: các quá trình, thủ tục kiểm soát, hệ thống văn bản hỗ trợ… qua đó giảm chi phí lãng phí do sản phẩm hư hỏng, sai lỗi… Trong khi đó, ISO 22000 còn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, an toàn và pháp lý. Các chi phí vận hành được cắt giảm thông qua các quá trình cải tiến liên tục và hiệu quả vận hành tốt, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp….Với những lợi ích như vậy, việc áp dụng ISO 22000  mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành nhu cầu bức thiết hiện nay, thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn ISO 22000 đang trở thành đòi hỏi cũng như lựa chọn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Áp dụng ISO 22000 còn thể hiện đạo đức doanh nhân và lợi ích của doanh nghiệp. Việc lựa chọn phương pháp quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với sản phẩm, công nghệ, trình độ nhân viên và định hướng phát triển của doanh nghiệp là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo uy tín, cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.