Thành công với những sản phẩm chiếu sáng mang thương hiệu Việt của Công ty cổ phần (CTCP) Bóng đèn phích nước Rạng Đông có dấu ấn rất lớn của việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng.
Để cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng giúp đạt được mục tiêu đề ra, CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã triển khai các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm theo 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1, Công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm là cải tiến nâng cao năng suất lao động, cân bằng chuyền và thực hiện 7 Kaizen, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao thương hiệu của Công ty.
Do đó, các chuyên gia đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể cho từng công đoạn sản xuất. Sau đó, từ kết quả cải tiến thu được của dây chuyền lắp ráp đèn LED Bulb – ngành Lắp ráp chiếu sáng LED, nhóm mới nhân rộng ra các dây chuyền khácnhư Lắp ráp Downlight, Tube, Đèn tủ lạnh, Đèn công suất cao, Bộ đèn LED… Sau một loạt các giải pháp cải tiến, năng suất lao động tại các chuyền tăng 10-30%, cá biệt có chuyền tăng trên 50%.
Kết quả giai đoạn 1 đã đạt mục tiêu đề ra, năng suất lao động tăng 70% so với trước khi thực hiện LEAN. Từ 17 lao động dây chuyền đã giảm xuống 12 lao động, sản lượng tăng từ 10.000 lên 12.000, ước giảm chi phí khoảng 625 triệu đồng/năm và giảm chi phí đầu tư dây chuyền khoảng 1,2 tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn 2, Công ty đặt mục tiêu giảm lỗi và giảm chi phí không chất lượng theo phương pháp DMAIC. Qua phân tích bằng biểu đồ Pareto xác định công đoạn gây lỗi nhiều nhất, phân tích và xác định lỗi chính và chủ yếu tại các công đoạn trên, sau đó sơ đồ hóa, xác định nút thắt để tập trung cải tiến bằng các giải pháp của Kaizen, loại bỏ các bước công việc không mang lại giá trị.
Kết quả chỉ trong chưa đầy 1 năm triển khai các giải pháp cải tiến, dây chuyền Led Bulb đã giảm lỗi từ 0,73% xuống còn 0,43%, đồng nghĩa với việc giảm lỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nâng cao uy tín và thương hiệu Công ty. Chất lượng sản phẩm tăng, chi phí không chất lượng giảm từ 19 bước không tạo ra giá trị xuống còn 9 bước, ước tính tiết kiệm được 125 triệu đồng/năm.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, có được thành công này là nhờ Rạng Đông đã áp dụng chương trình đào tạo trong công nghiệp (TWI) do Viện Năng suất Việt Nam và các chuyên gia trong và ngoài nước vận dụng cụ thể vào thực hành tốt hệ thống 5S, Lean Six Sigma, cân bằng chuyền, Kaizen,… để đưa các công cụ tiên tiến cải tiến năng suất được kiểm chứng trong thực tế hiệu quả.
Giai đoạn 2020-2025, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đặt ra mục tiêu tăng doanh thu lên gấp 4 lần, thu nhập người lao động tăng gấp 3,3 lần, để đạt được kết quả này. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc tiếp tục triển khai áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm như 5S, Lean Six Sigma, cân bằng chuyền, Kaizen…Rạng Đông còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong công ty.
Với khát vọng năm 2025 doanh thu tăng 4 lần, thu nhập người lao động tăng từ 13,9 triệu đồng/người/ tháng (năm 2020) tăng lên 2.000 USD/người/tháng (tương đương với hơn 46 triệu đồng, gấp 3,3 lần năm 2020), tới 2030 Rạng Đông vươn tầm Công ty “tỷ đô” và trở thành Công ty Make in VietNam phát triển hệ sinh thái Led I-4.0.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, mới đây nhất, ngày 27/4/2020, Công ty đã ra mắt Quỹ Đầu tư mạo hiểm Rạng Đông với mục đích hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và ươm tạo các dự án, tạo đột phá cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Rạng Đông đã thành lập 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển: Lighting R&D Center, Digital R&D Center và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương mại hóa HST – 4.0 trên các nền tảng số Flatforms (C4Led) và Tổ tư vấn chiến lược chuyển đổi số gồm 12 giáo sư, phó giáo sư, hơn 30 tiến sĩ, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực. Sách lược đúng đắn là yếu tố chủ chốt giúp Rạng Đông vững thế tiến bước. Năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng 15,6; năm 2021 đạt lợi nhuận thực hiện trên 18%, vốn chủ sở hữu tăng lên 28%, ghi nhận mức doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2022, bất chấp tình hình dịch COVID-19 khu vực phía Bắc diễn biến phức tạp, doanh thu của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng 16,3%, đạt lợi nhuận thực hiện tăng 16,6%, nộp ngân sách tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Rạng Đông kỳ vọng xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy LED hiện đại “Make in Vietnam” vào năm 2023. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số khối sản xuất thực với 70-80% dữ liệu được kết nối, tự động xử lý, phân tích trong hệ thống thống nhất vào năm 2025, tiến đến hoàn thành nhà máy thông minh vào năm 2030. Như vậy, có thể thấy, Rạng Đông là tiêu biểu cho một doanh nghiệp Việt đã áp dụng thành công các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, kết hợp với việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất.